Nguyệt San Số 39


Khi Phố Cũ Lên Đèn

Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Quê hương

     Mộng Lan bước xuống xe, quay đầu lại nói với người tài xế:
- Thành! Cháu tìm chỗ đậu xe hay đến quán giải khát nào gần đây ngồi uống nước chờ dì. Chừng nào dì gọi thì cháu đến rước.
     Rồi Mộng Lan đi đến ghế đá công viên Lạc Hồng ngồi nhìn ra dòng sông Tiền Giang, đưa tâm tư vào hồi tưởng những ngày xưa thân ái. Đây là lần đầu tiên sau ba mươi năm xa quê hương, Mộng Lan mới có dịp trở về thăm chốn xưa nơi mà một thời Mộng Lan khoác lên người chiếc áo “Nữ Quân Nhân Hải Quân QLVNCH” khi lúc tuổi còn xanh. Ngày đó tuy xa rồi! Nhưng Mộng Lan vẫn còn nhớ mãi trong lòng, chưa phôi pha theo tháng năm nơi đất lạ quê người trong nỗi sầu viễn xứ. Đó là ngày mà cô nữ sinh lớp đệ nhất ban C của trường nữ trung học Gia Long Sài Gòn xếp bút nghiên, tình nguyện vào binh chủng Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và ra trường được bổ nhiệm về phục vụ nơi căn cứ hải quân Chương Dương thị xã Mỹ Tho, tỉnh Định Tường!
     Ngày ấy, sau khi trình diện đơn vị trưởng xong, Mộng Lan đi tản bộ vài con đường trong thị xã rồi đến ngồi bên bờ sông nơi công viên Lạc Hồng, ngắm hoàng hôn đưa chiều vào tối!  Năm xưa đó, khi những  buổi chiều êm đềm nhẹ rơi trên sông Tiền Giang, phố xá bắt đầu lên đèn, cũng là lúc những chiếc Giang Đỉnh sau một ngày tuần giang trở về căn cứ, cặp bến nơi cầu tàu, năm ba thủy thủ vội vả lên bờ để kịp giờ hò hẹn người yêu đi dạo phố, khi tản bộ trên con đường Trưng Trắc có những quán cafê sập sình âm thanh tiếng nhạc với những bài tình ca chinh chiến: Trăng Tàn Trên Hè Phố, Lính Nghĩ Gì, Hoa Biển..v..v..
     Phố cũ chiều nay, Mộng Lan cô đơn ngồi nơi ghế đá công viên Lạc Hồng, nghe như văng vẳng đâu đây có tiếng bạn bè năm cũ, tiếng đồng đội, tiếng động cơ của những con tàu mỗi sáng khởi hành đi tuần tra và chiều trở về căn cứ. Dư âm sinh hoạt còn đó! Còn ẩn hiện những vần thơ, những truyện ngắn đầu đời viết trên tờ Bích Báo Hải Quân khi mỗi độ xuân về, nét chữ nghiêng nghiêng màu mực tím với bài thơ lãng mạn có nhan đề “Tình Biển” tặng cho người yêu với cái tên xanh mãi, không có lá uá mùa thu rơi rụng: Tặng thiếu úy Thanh Diệp. Mộng Lan ngồi hướng mắt ra dòng sông, lặng yên cho tâm tư hoài niệm để cố đi tìm một bóng hình quen thuộc thân yêu của một thời nữ quân nhân và bao kỷ niệm êm đềm lẫn trốn đâu đây. Và cố đi tìm hình ảnh người quân nhân mặc quân phục sĩ quan màu tím nhạt trên cầu vai mang cấp bậc thiếu úy ngay phía trên huy hiệu Tổ Quốc Đại Dương... Nhưng tất cả hình ảnh của Thanh Diệp đã biền biệt nơi nào sau ngày tàn cuộc chiến!..
     Phố cũ chiều nay, ẩn hiện trở về với bao khoảnh khắc đi qua cuộc đời làm cho Mộng Lan dâng lên trong lòng xao xuyến, dạt dào những thương nhớ tràn đầy!  Thương nhớ đi qua và ngủ vùi trong dĩ vãng mù khơi với những vui buồn một thời binh nghiệp, đi qua một mối tình đẹp đượm thắm hình ảnh chinh nhân như trong sách vở của thời thư sinh áo trắng, đi qua những mùa thu nhẹ bước trên công viên nhìn lá vàng rơi theo gió, đi qua những ngày viễn xứ tha phương của người góa phụ cô đơn trông đợi một bóng hình!!!... Rồi chiều nay, Mộng Lan cố tìm những kỷ niệm của thời Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa còn để quên đâu đó, nhưng tất cả đã lạc mất vào vùng quá khứ xa xăm, biết đâu tìm !!
     Mộng Lan đang ngồi nhớ về những ngày xưa thân ái, bổng tiếng điện thoại reo lên làm ngưng dòng cảm nghĩ:
- Dì Lan ơi! Tối nay chúng ta về Sài Gòn hay ở lại Mỹ Tho?
- Ồ! Cháu không nhắc thì dì đã quên mất!
    Rồi Mộng Lan nhìn chiếc đồng hồ trên tay, trả lời:
- Bây giờ cũng đã chiều, chúng ta thuê khách sạn ngủ qua đêm, sáng ngày mai cháu chở dì đi tìm  một người bạn cùng đơn vị ngày xưa.
- Dạ! Dì thuê khách sạn nào?
- Khách Sạn Chương Dương gần công viên Lạc Hồng! Dì thuê cho cháu một phòng nhé..?
     Bên kia cuộc điện đàm, Thành đáp nhanh:
- Cám ơn dì! Cháu đến nhà người quen ngủ nhờ, có gì cần thì dì phone cho cháu đến rước dì...
- Ok!
      Nói xong, Mộng Lan vào khách sạn Chương Dương đăng ký phòng ngủ. Cô nhân viên tiếp tân vừa thấy Mộng Lan bước vào cửa, nhanh hỏi:
- Chào bác! Bác thuê phòng hả?
- Còn căn phòng nào có hành lang ngồi nhìn ra dòng sông Tiền Giang không?
     Cô tiếp tân kiểm lại sổ đăng ký, ngước lên trả lời:
- Thưa bác! Còn một phòng duy nhất ở cuối dãy, nhưng bị che khuất bởi cây cổ thụ nên nhìn ra dòng sông chỉ được một phần thôi!
    Mộng Lan gật đầu nói:
- Có còn hơn không! Cô cho tôi thuê căn phòng nầy.
      Mộng Lan theo sau nhân viên phục vụ nhận phòng rồi trở lại nhà hàng của khách sạn ngồi nơi chiếc bàn đặt cạnh bờ sông, ăn tối. Mộng Lan đưa mắt nhìm xung quanh chốn xưa, bảng tên căn cứ hải quân không còn nữa, không còn hàng chữ màu xanh nước biển đậm nét: Trại Chương Dương! Những cây cổ thụ quen thuộc nơi sân trại giờ này cũng mất, mọi thứ ngày xưa đã không còn một dấu tích gì lưu lại, ngoài những trụ đá nơi bờ sông trơ gan cùng tuế nguyệt! Mộng Lan nhìn ra dòng sông, nước lững lờ trôi, vài chiếc ghe tam bản chở khẩm hàng hóa, xuôi về Miền Tây, tiếng động cơ phát ra âm thanh nghe ì ạch và mệt mỏi! Bên kia cồn Tân Long, những ngọn đèn điện chiếu xuống mặt sông, tạo nên ánh sáng lấp lánh bởi con sóng nhỏ khi có chiếc tàu chạy qua. Nhìn những hình ảnh trước mắt, Mộng Lan bổng nhớ về những kỷ niệm với Thanh Diệp! Nơi chiếc bàn Mộng Lan đang ngồi ăn, năm xưa có chiếc cầu tàu dành cho những thủy thủ lên bờ sau những ngày hải hành về lại căn cứ. Và cứ mỗi lần Thanh Diệp đi tuần duyên trở về, Mộng Lan thường ra tận cầu tàu đón Diệp và trao cho người yêu một nụ hôn nồng thắm! Rồi chưa kịp thay quân phục, hai người nắm tay nhau đến quán ăn Việt Hải trên đường Trưng Trắc ăn tối... Nhớ lại! Thời gian thoáng qua mà đã hơn ba mươi năm rồi! Những hình ảnh dĩ vãng cuộc đời tưởng đã nhạt nhòa và ngủ yên nơi vùng tâm tư của Mộng Lan, vùng tâm tư của người góa phụ khi tuổi đời vừa mới nữa chừng xuân! Bây giờ, dĩ vãng bổng chốc trở về mãnh liệt trong lòng với vô ngần niềm thương nỗi nhớ!  Mộng Lan nhớ về ước mơ của mình khi cuộc chiến đã tàn, mơ ước cho mình có một hạnh phúc mãi mãi bên người chồng khi hận thù chủ nghĩa Quốc Gia và Cộng Sản đã hết. Nhưng nào ngờ, ngày tàn chinh chiến 30/4/1975 Mộng Lan đã trở thành thiếu phụ khi tuổi đời vừa đúng ba mươi và mang một bào thai bốn tháng! Những tháng ngày sau khi chiến tranh tàn đã phủ trùm lên thân phận của người góa phụ bao đau thương nghiệt ngã: Một mình ngược xuôi bến chợ tìm kiếm mưu sinh, chờ ngày đứa con chào đời!....
      Mộng Lan đang miên man trong hồi tưởng, cô tiếp viên nhà hàng chợt đến hỏi:
- Thưa bác! Bác ăn xong chưa ạ!
- Xong rồi! Cháu dọn bàn dùm, cám ơn... Đem cho tôi thêm một trái dừa ướp lạnh.
      Cô tiếp viên trở lại đặt trái dừa lên bàn, mở lời xả giao với khách:
- Bác về thăm quê hương bao lâu ạ?
- Dự tính bốn tuần lễ. Nhưng tôi sẽ gia hạn visa ở thêm vài tuần nữa, vì tôi lâu quá mới về thăm lại quê hương!
- Bác sống ở Úc bao năm?
- Hơn ba mươi năm!
- Ồ! Lâu nhỉ.
      Nhìn thấy nhà hàng vắng khách và cô tiếp viên vui vẻ trò chuyện xả giao, Mộng Lan mở lời hỏi thăm:
- Cháu tên gì, có thể ngồi trò chuyện với tôi giây lát được không?
- Dạ được! Cháu tên là Chương Dương.
     Mộng Lan nghe nhắc đến hai chữ Chương Dương, chau mày nhìn cô tiếp viên, nói:
- Tên Chương Dương đẹp chứ! Trùng với tên đơn vị ngày xưa của tôi phục vụ!
     Chương Dương mĩm cười:
- Cháu cũng trùng tên với khách sạn và nhà hàng mà cháu đang làm việc, một sự trùng hợp bất ngờ đó bác!
- Tôi cũng nghĩ là “bất ngờ”! Nhưng vì hai chữ Chương Dương là một vùng trời kỷ niệm của tôi đã ngủ vùi trong vùng đại dương bao la xanh biếc....
      Bổng có tiếng của người quản lý gọi Chương Dương, làm ngắt ngang câu chuyện. Chương Dương đứng dậy nói lời chào Mộng Lan:
- Cháu đi thu dọn nhà bếp, hẹn gặp lại bác sau.
      Mộng Lan đáp lại bằng cử chỉ gật đầu, đứng dậy đi về phòng, tắm giặt và thay đồ rồi đi dạo phố, mong tìm chút hoài niệm những hình ảnh ngày xưa nơi phố cũ. Con đường Trưng Trắc dọc theo bờ sông Bảo Định đã đổi thay nhiều! Bây giờ, nơi bến đò đưa khách qua cù lao Tân Long, có dựng tượng Thủ Khoa Huân sừng sửng bên bờ sông, nét mặt oai nghiêm của người thủ lãnh nghĩa quân, một thời đã làm thực dân Pháp khiếp đảm. Nhà ga xe lửa vẫn còn đó hình ảnh cổ kính của một kiến trúc theo lối Pháp, ngàn năm vẫn đợi chờ người lữ khách ghé thăm thành phố Mỹ Tho. Cù lao Tân Long bên kia sông Tiền, ánh đèn điện chiếu xuống mặt nước nơi bến đò đưa khách, lấp lánh và loáng bạc, thỉnh thoảng một con sóng nhỏ làm nhấp nhô con đò chờ đưa khách qua sông. Con đường Trưng Trắc thuở xưa của thời quân đội đồng minh Hoa Kỳ hiện diện, dày đặc các quán "bar" nằm ven theo bờ sông Bảo Định, nối tiếp nhau từ dốc Cầu Quay đến bến đò qua cồn Tân Long, có những quán ăn và quán giải khát: Tô Ký, café Chiều Tím, kem Duyên Thắm, cafê An Hạ....Tất cả đã bị giải tỏa trống trải và bây giờ có những ghế đá công viên không có bóng dáng người ngồi! Mộng Lan rảo bước trên đường mà lòng dâng lên nỗi buồn man mác! Gió nhẹ từ sông đưa vào thổi tóc Mộng Lan bay bồng bềnh, gợi nhớ khoảng trời yêu thương bên người yêu năm cũ trong một đêm đi dạo phố. Mộng Lan rẻ qua những con đường quen thuộc thuở nào: Đinh Bộ Lĩnh, Thủ Khoa Huân mà lòng dâng lên nỗi buồn hoài vọng về một thời đại đã đi qua! Giống như tâm tư hoài cổ của bà Huyện Thanh Quan qua những câu thơ:
Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc
Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia!
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta!..

      Sáng nay Mộng Lan thức sớm, đi tìm người bạn thân cùng chung đơn vị ngày xưa, hy vọng  sẽ có tin tức mong manh về Thanh Diệp. Chiếc xe du lịch len lỏi qua những con đường đá đỏ gồ ghề, ngoằn ngoèo xuyên qua cánh đồng nhỏ, lúa đang trổ đòng đòng, rồi dừng lại trước lối vào xóm nhà lá ẩn mình sau rặng cây trâm bầu. Mộng Lan bước xuống xe, đến quán nhỏ bên đường hỏi thăm:
- Thưa bác! Đây có phải là Xóm Mới?
     Ông chủ quán nhìn Mộng Lan, gật đầu:
- Đúng là Xóm Mới! Cô Tìm ai?
- Cô bạn của tôi tên Hoài An.
     Ông chủ quán chau mày suy nghĩ  rồi nói đoán:
- Tên Hoài An nghe lạ lắm! Có phải là tên của bà Năm Trầu hay không?
- Bà Năm Trầu khoảng bao nhiêu tuổi hả bác?
- Tuổi không lớn, nhưng vì ăn trầu nên trông già trước tuổi!
      Ông chủ quán chỉ tay về hướng rặng trâm bầu:
- Cô đi vào xóm nhà lá trong đó, hỏi thêm tin tức!
- Cám ơn bác!
     Mộng Lan đi ven theo con đường đê của những thửa ruộng, dẫn đến căn nhà lá nhỏ ẩn sau những hàng cây trâm bầu, đứng trước cửa nhà Mộng Lan nói vọng vào:
- Có ai nhà không! Cho tôi hỏi thăm!
     Chương Dương đang nằm ngủ, vì tối qua đi làm ca đêm về khuya, nghe tiếng người gọi, ngồi dậy bước ra cửa, tay vừa dụi mắt vừa hỏi:
- Bác tìm ai?
     Mộng Lan nhận ra ngay Chương Dương, thốt lên:
- Ủa! Nhà cháu Chương Dương đây à?
     Chương Dương tỉnh ngủ, ngạc nhiên đáp:
- Dạ! Cháu ở đây với mẹ.... Mà bác đến tìm ai???
     Mộng Lan ấp úng:
- Bác tìm người bạn cũ tên Hoài An.
     Nghe nói đúng tên mẹ, Chương Dương đáp:
- Hoài An là tên của mẹ cháu!!!! Nhưng sao bác biết được tên của mẹ.? Hơn ba mươi năm qua, ở cái xóm nhà lá nầy, không ai biết tên thật của mẹ, người trong xóm chỉ gọi theo tên tục là bà Năm Trầu mà thôi.
- Mẹ cháu có nhà không?
- Mẹ đi nhổ cỏ ruộng cho dì sáu ở xóm trên. Bác vào nhà chờ cháu đi gọi mẹ về...
     Một lát sau, người đàn bà tay cầm chiếc nón lá bung vành, mặc cái áo đen bị nhuộm phèn vàng cháy đến tận nách, hối hả đi theo Chương Dương về nhà. Vừa bước vào nhà, Mộng Lan nhận ra ngay người bạn cũ, chạy đến ôm Hoài An vào lòng, nỗi vui mừng trùng phùng bằng hữu sau hơn ba mươi năm, đã làm cho cả hai người rơi lệ! Đôi mắt nhạt nhòa, Mộng Lan nhìn bạn rồi thốt lên:
- Hoài An ơi! Mầy tàn tạ quá!
- Còn giữ được mạng sống đến giờ đã may mắn lắm! Em tưởng đã chết trong một lần bạo bệnh!
    Chưa kịp chờ Hoài An nói được điều gì thêm, Mộng Lan hỏi tiếp:
- Ông xã mầy đâu rồi?
- Chết trong trại cải tạo! Sau khi bị tù đày hơn sáu năm!
    Đến đây, Hoài An mới bớt cảm động và nói được lời hỏi thăm Mộng Lan:
- Sau ngày 30/4/1975, em bặt tin về chị, tưởng chị đã chết cùng với anh Thanh Diệp rồi!
     Nghe Hoài An nhắc đến những ngày cuối cùng cuộc chiến, Mộng Lan bùi ngùi kể:
- Chiều ngày 29/4/1975, ông xã của tao có gọi về căn cứ Chương Dương qua máy điện đàm, bảo tao chờ đợi anh ấy về rước đi theo đoàn tàu Hải Quân di tản. Nhưng rồi tao đợi chờ mãi cho đến tối ngày 30/4/1975 mà Thanh Diệp cũng không về rước tao được! Khi Cộng Sản vào tiếp quản căn cứ Chương Dương thì tao mới đành lòng ra đi về Sài Gòn, những ngày tháng sau đó tao sống nương náo nhờ nhà của mẹ ruột!
     Hoài An thở dài nhắc lại:
- Em còn nhớ là đến trưa ngày 30/4/1975 chị em mình vẫn còn trực ca ở văn phòng căn cứ hải quân Chương Dương! Mãi đến hơn 3 giờ chiều, em nóng lòng đi tìm ba của Chương Dương nên mới xin chị đi về nhà.
- Ừ! Tao nhớ rỏ, trước khi chia tay mầy quay đầu nhìn lại nói với tao: “ Chúng mình nhớ liên lạc với nhau nha chị Mộng Lan! ”. Hai chúng ta mất liên lạc nhau từ chiều hôm đó!
      Chương Dương tự nảy giờ chứng kiến cảnh ngộ cảm động của hai người bạn xa cách nhau hơn ba mươi năm mới gặp lại, nói xen vào:
- Hôm qua trong lòng con tự nhiên có linh cảm đặc biệt khi gặp mặt dì Mộng Lan trong khách sạn. Nhất là lúc con dọn thức ăn lên bàn cho dì, con nghe được những lời nhạc du dương phát ra từ chiếc điện thoại di động của dì Mộng Lan, những lời nhạc mà mẹ thường hay hát ở nhà: “ Chiều mưa không có em, bờ đá công viên âm thầm, chiều mưa không có em, giăng mắc mây không buồn trôi.......Chuyện ngày xưa biết sao, mỏi cánh chim bay phương nào, còn ngày xuân ấm êm, cho mình gọi tiếng yêu em .”
      Mộng Lan quay sang Hoài An nói:
- Mầy còn nhớ kỷ niệm đêm văn nghệ liên hoan cuối năm ở căn cứ Chương Dương không? Mầy hát bài Mùa Thu Trong Mưa của nhạc sĩ Trường Sa, anh Thanh Diệp đánh đàn ghita cho mầy hát..!
- Em vẫn nhớ hoài! Em thích nhất bài nhạc nầy bởi vì nhạc sĩ Trường Sa sáng tác khi chiến hạm của ông ấy ghé qua công viên Lạc Hồng vào một buổi chiều mùa thu mưa lất phất rơi! Mùa thu năm ấy, nơi công viên nầy, em đã quen biết với ba của Chương Dương và cuộc tình bắt đầu từ đó!
- Hai chúng ta có cùng một kỷ niệm nơi công viên Lạc Hồng: Mầy thì gặp được người yêu, còn tao thì ghi kỷ niệm của ngày đầu tiên trình diện đơn vị, vào đời binh nghiệp!
- Kỷ niệm ngày xưa giờ đã phai tàn!
     Đến đây, Mộng Lan chợt hỏi:
- Tên Chương Dương của cháu gái do mầy đặt tên hả?
     Hoài An gật đầu:
- Để mãi nhớ một thời quân nghiệp của em.
- Rất có ý nghĩa!
        Hai người mãi mê chuyện trò đến trời quá trưa mà không hay. Mộng Lan đưa tay lên nhìn đồng hồ rồi thốt lên:
- Đã hơn 12 giờ rồi! Mầy và Chương Dương thay đồ đi ăn trưa với tao.
        Rồi Mộng Lan nói đùa với Chương Dương:
- Kể từ bây giờ cho đến khi dì Lan về lại Úc, mẹ cháu phải luôn ở bên cạnh làm cận vệ cho dì.
- Dạ! Cháu đồng ý...
         Sau những tuần lễ Mộng Lan cùng với Hoài An đi chơi đây đó và thăm vài người bạn xưa. Rồi chiều nay, còn hai hôm nữa Mộng Lan về lại Úc! Hai người bạn đến ngồi trên ghế đá công viên Lạc Hồng, nhìn hoàng hôn lặng lẻ rơi trên dòng sông Tiền Giang và hoài niệm về những ngày tháng cũ! Trước mắt hai người, dòng nước vẫn im lìm trôi theo cơn thủy triều, ghế đá công viên vẫn âm thầm dãi dầu mưa nắng, thành phố vẫn bắt đầu lên đèn khi hoàng hôn đưa chiều vào tối... Sự tuần hoàn của sinh hoạt hình như đã đếm bước thời gian cho đời người hiện hửu! Giống như hai người thiếu phụ chiều nay ngồi trên ghế đá công viên, có cùng một lòng thủy chung trọn vẹn với hai người chinh nhân ra đi biền biệt không bao giờ trở lại gia đình!
        Chương Dương thấy trời tối mà dì Mộng Lan và mẹ chưa trở về khách sạn, biết hai người đã đến ghế đá công viên Lạc Hồng ngồi nhìn chiều rơi mà hồi tưởng những kỷ niệm của thời Nữ Quân Nhân QLVNCH. Chương Dương đến bên cạnh và nhỏ nhẹ nhắc nhở:
- Mẹ, dì Lan! Cơm tối đã dọn!
       Mộng Lan đứng dậy nắm tay Hoài An bước đi theo hành lang dọc bờ sông trở về khách sạn. Vừa đi Mộng Lan vừa hát thì thầm: Anh ơi em lên đường phố cũ tìm anh chiều hẹn hò. Cho nhau niềm thương nhớ nầy! Vì bao tháng ngày, vắng anh trời hôm nay nghe xao xuyến bước cô đơn ............... Khi em đưa chân người thương nhớ, tạm xa biệt kinh thành. Mong sao! Đừng quên tháng ngày, chiều qua cuối tuần, có em đợi trông anh, khi phố cũ vừa lên đèn..!!!!
     Dương Đại Trường
Adelaide tháng 7/ 2013
Viết riêng cho Đặc San Gươm Thiêng
Tổng hội CQNQLVNCH/Úc Châu